Hiệu ứng Pygmalion: Bí quyết trong giáo dục và quản lý nhân sự

Bạn càng nhận được nhiều tán dương và kỳ vọng, thì hiệu suất và sự năng nổ trong công việc của bạn sẽ càng tăng lên. Ngoài ra, khi bạn đánh giá một người theo một tiêu chuẩn nhất định, hành vi và cách ứng xử của bạn dành cho họ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Người ta gọi đây là hiệu ứng Pygmalion. Hiệu ứng này được ứng dụng nhiều trong giáo dục và quản lý nhân sự nhằm đề cao năng suất và chất lượng công việc.

Những điều cần biết về hiệu ứng Pygmalion

Những kỳ vọng và mong đợi của chúng ta dành cho một người hay một sự kiện nào đó có thể làm tăng tỷ lệ biến chúng thành sự thật. Đây là quan điểm mà hiệu ứng Pygmalion muốn truyền đạt. Kỳ vọng và mong đợi cũng ảnh hưởng đến thái đô, động lực và hành vi của ta đối với đối tượng quan tâm. Từ đó, tác động đến sự vật và sự việc nhằm tăng hiệu suất và khiến kỳ vọng có khả năng trở thành hiện thực hơn.

Hiệu ứng Pygmalion: Bí quyết trong giáo dục và quản lý nhân sựKỳ vọng hợp lý và được đặt đúng nơi đúng chỗ có thể tạo ra những điều kỳ diệu trong học tập, công việc và cuộc sống.

Hiệu ứng Pygmalion được lấy theo một câu chuyện khá nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp. Pygmalion là một thợ điêu khắc đại tài. Vì không tìm được một người phụ nữ phù hợp với lý tưởng của bản thân, chàng đã quyết định tự tay điêu khắc nên bức tượng người phụ nữ hoàn mĩ và đẹp nhất mà mình hằng mong ước. Sau khi hoàn thành, bức tượng bằng ngà trắng muốt đẹp đến mức khiến Pygmalion đem lòng yêu say đắm.

Ngày ngày, chàng vuốt ve bức tượng và mong ước bức tượng mình tạo ra có thể biến thành người thật. Và thế là trong ngày lễ tôn vinh nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp Aphrodite, Pygmalion đã dâng lên thần lễ vật hậu hĩnh, và cầu xin nữ thần ban cho bức tượng chàng luôn say đắm sự sống. Hài lòng với sự tôn thờ và cảm động với lòng thành của Pygamlion, Aphrodite đã thổi sự sống vào pho tượng và biến vật vô tri vô giác thành người thật.

Ta có thể thấy rõ hiệu ứng Pygmalion trong câu chuyện, lòng yêu thích của Pygmalion dành cho tác phẩm nghệ thuật của mình đã thúc đẩy hành động của chàng. Sự say mê, lưu luyến trở thành động lực để Pygmalion tìm đến nữ thần Aphrodite. Aphrodite cũng vì tấm lòng thành và hành động của nhà điêu khắc trẻ tuổi đả động nên mới đồng ý lời thỉnh cầu của chàng. Có thể nói, sự kỳ vọng và thái độ của một người đến một sự việc có thể ảnh hưởng rất lớn đến sự việc ấy.

Vào đầu thế kỷ 20, thông qua nhân vật Liza trong vở kịch Pygmalion, George Bernard Shaw cũng thể hiện một quan điểm tương tự. Liza chỉ là một cô gái bán hoa bình thường, nhưng lại được Giáo sư Higgins huấn luyện trở thành một quý cô. Nhưng vì trong mắt anh ta, Liza chỉ là một cô gái bán hoa, thế nên cho dù cô có cư xử khéo léo hay ra dáng quý tộc như thế nào đi chăng nữa, Higgins cũng không thể thay đổi góc nhìn và thái độ của anh ta đối với cô.

Nhưng Pickering thì khác, anh dành một sự tôn trọng và cư xử lịch thiệp với Liza vì trong mắt anh, cô là một quý cô đáng được tôn trọng. Liza đã nói ra một trong những câu thoại kinh điển với Pickering rằng “The difference between a lady and a flower girl is not how she behaves, but how she’s treated.” (Sự khác biệt giữa một quý cô và một cô gái bán hoa không nằm ở hành động của cô ấy, mà nằm ở cách cô ấy được đối xử)

hiệu ứng PygmalionCách người khác mong chờ, nhìn nhận và kỳ vọng ở chúng ta có thể thúc đẩy những yếu tố bất ngờ, khiến ta nhận ra những giá trị tiềm ẩn của bản thân.

Hiệu ứng Pygmalion hiện nay được sử dụng để mô tả những tình huống cụ thể, trong đó kỳ vọng của một người dành cho một đối tượng, hay một sự việc nào đó ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của họ dành cho đối tượng. Kỳ vọng này không chỉ thúc đẩy chúng ta biến mong muốn thành sự vật, mà còn tác động đến đối tượng và làm tăng hiệu suất của họ trong công việc. Hay nói dễ hiểu, chúng ta làm tốt hơn khi nhận được sự mong chờ từ người khác.

Nghiên cứu của Robert Rosenthal và Lenore Jacobson

Hai nhà khoa học Robert Rosenthal và Lenore Jacobson đã thực hiện một cuộc thí nghiệm vào năm 1964 tại một trường tiểu học. Mục đích là để tìm hiểu xem sự trông đợi của giáo viên dành cho học sinh có thể làm tăng hiệu suất và kết quả học tập hay không. Mặc dù thí nghiệm này chưa thể phản ánh mọi mặt của vấn đề và còn nhiều sai sót, nhưng nó cũng đã cho chúng ta thấy một số dữ kiện có ích cho nghiên cứu.

Robert Rosenthal đã cho tất cả học sinh trong cùng một khối kiểm tra IQ một cách bí mật trước khi năm học bắt đầu. Sau đó, ông chọn ra ngẫu nhiên một số học sinh, và nói với giáo viên của những học sinh đó rằng, đây là những đứa trẻ có IQ cao và có tiềm năng phát triển rộng mở trong tương lai. Các em sẽ thể hiện trình độ vượt trội so với những người bạn cùng lớp trong quá trình học tập.

Khi kết thúc năm học, Robert Rosenthal lại cho tất cả học sinh làm lại bài kiểm tra IQ tương tự đầu năm, và ông nhanh chóng nhận ra sự khác biệt. Hầu hết học sinh đều có sự gia tăng IQ nhất định so với lần đầu tiên. Tuy nhiên, những học sinh được chọn để trở thành “người đặc biệt” có chỉ số tăng trưởng vượt trội so với những trẻ khác. Thí nghiệm này cho thấy tác dụng của hiệu ứng Pygmalion, hay hiệu suất của một việc có thể tăng hay giảm tùy vào kỳ vọng của người khác.

Rosenthal cho rằng, những kỳ vọng sai lệch có thể làm ảnh hưởng đến thực tế, và vô tình tạo ra “self-fulfilling prophecy” (những lời tiên tri tự ứng nghiệm). Đây là một thuật ngữ nói về những dự đoán trở thành hiện thực do ảnh hưởng từ sự kỳ vọng và hành động của chúng ta. Hay nói đơn giản hơn, niềm tin và kỳ vọng sai lệch thúc đẩy hành động. Những hành động không thể dự đoán trước lại là nguyên nhân biến lời tiên đoán trở thành sự thật.

hiệu ứng PygmalionNiềm tin mãnh liệt vào một điều gì đó có thể ảnh hưởng đến quyết tâm và hành động, từ đó nâng cao xác suất biến kỳ vọng thành hiện thực.

Thông qua thí nghiệm, Rosenthal đi đến kết luận rằng kỳ vọng của giáo viên dành cho học sinh có thể ảnh hưởng đến thành tích của các bé. Nếu giáo viên kỳ vọng học sinh học tốt, hiệu suất và kết quả học tập cũng tăng lên. Còn nếu giáo viên không có bất cứ kỳ vọng nào, thậm chí có tỏ thái độ thất vọng, học sinh cũng sẽ không tích cực học tập dẫn đến kết quả học tập kém. Trẻ càng nhỏ tuổi thì ảnh hưởng sẽ càng lớn.

Sau thí nghiệm, hai nhà khoa học cho rằng việc giáo viên biết những trẻ nào là “người đặc biệt” đã ảnh hưởng đến tiềm thức của họ, từ đó hình thành thái độ và hành vi riêng biệt dành cho nhóm đối tượng này. Giáo viên có thể dành nhiều thời gian và sự kiên nhẫn hơn trong quá trình giảng dạy, cũng như tạo điều kiện hay khuyến khích các em học tốt hơn. Chính sự “thiên vị” này là một trong những yếu tố khiến các em phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, thí nghiệm của Robert Rosenthal và Lenore Jacobson vẫn vấp phải sự phản đối từ một số nhà nghiên cứu khác. Một số người đưa ra những dẫn chứng thuyết phục cho thấy rằng, nghiên cứu của hai người có quá nhiều lỗ hổng, thiếu sự toàn diện, và chịu ảnh hưởng của những yếu tố bên ngoài. Ví dụ, việc một số học sinh học tốt hơn là do tính cách tự thân hoặc những yếu tố khác, chứ không liên quan gì đến kỳ vọng của giáo viên.

Việc giáo viên tiếp xúc lâu ngày với học sinh cũng giúp nhiều người nhìn ra tiềm năng thật sự của học trò, do đó những giáo viên này sẽ điều chỉnh hành vi cho phù hợp. Trong trường hợp này, em học sinh nằm trong danh sách được chọn nếu có tiến bộ, thì nguyên nhân không nằm ở kỳ vọng của thầy cô. Tuy vẫn còn nhiều sai lệch, nhưng thí nghiệm của Robert và Lenore về hiệu ứng Pygmalion cũng cho ta những cái nhìn rõ ràng hơn về hiệu ứng này.

Những giai đoạn của hiệu ứng Pygmalion

Theo Rosenthal, hiệu ứng Pygmalion là một vòng tròn khép kín với 4 cơ chế lần lượt ảnh hưởng đến nhau. Trong đó mỗi giai đoạn đều có tầm quan trọng nhất định ảnh hưởng đến kết quả sau cùng. Nếu có bất cứ giai đoạn nào gặp trục trặc, chúng sẽ gây sai lệch cho những yếu tố liền sau, và làm giảm tỷ lệ hoàn thành mục tiêu cuối cùng. Bốn yếu tố cấu thành hiệu ứng này bao gồm:

hiệu ứng PygmalionBốn yếu tố tác động đến nhauvà tạo thành một vòng tuần hoàn hoàn hảo trong hiệu ứng Pygmalion.

  • Niềm tin của chúng ta: Khi chúng ta đặt niềm tin và hy vọng và một điều gì đó, niềm tin này trong vô thức sẽ ảnh hưởng đến hành động. Ví dụ, bạn tin rằng anh chị của mình vô cùng tài giỏi, bạn sẽ có thái độ tôn trọng và hành động ngưỡng mộ dành cho đối phương. Những hành động của bạn thể hiện sự quan tâm và niềm tin mãnh liệt vào điều bản thân tin tưởng. Do đó niềm tin là yếu tố đầu tiên quan trọng nhất đặt nền móng cho hiệu ứng Pygmalion.
  • Hành động của chúng ta: Hành động và cách cư xử của chúng ta với những đối tượng xung quanh bị ảnh hưởng bởi niềm tin của bản thân vào khả năng của họ. Đồng thời, những hành vi của chúng ta cũng ảnh hưởng đến niềm tin và cách suy nghĩ của đối tượng. Ví dụ khi sếp tỏ thái độ coi trọng và đánh giá cao những cống hiến của bạn, liên tục giao cho bạn những công việc quan trọng, bạn sẽ tin tưởng và khả năng của mình hơn, và cảm thấy hứng khởi trong công việc. Bạn cảm thấy giá trị của mình được coi trọng, và cố gắng đáp lại niềm tin đó.
  • Niềm tin của đối tượng: Niềm tin của một người vào bản thân khi nhận được sự kỳ vọng và coi trọng từ những người xung quanh sẽ tạo động lực cho họ trong công việc và học tập. Niềm tin là cơ sở hình thành và thúc đẩy hành động. Đối tượng nhận được kỳ vọng càng có lòng tin vào bản thân, thì mục tiêu và sự phấn đấu của họ càng được đẩy lên cao. Từ đó, họ sẽ cố gắng và có những hành động thiết thực để đáp ứng sự kỳ vọng.
  • Hành động của đối tượng: Niềm tin của đối tượng khi được ủng hộ và cổ vũ sẽ biến thành hành động thiết thực. Họ cố gắng đạt thành mục tiêu nhằm đáp lại mong đợi và kỳ vọng được đặt vào thân. Kết quả là niềm tin và kỳ vọng ban đầu trở thành sự thật. Thậm chí, trong trường hợp kỳ vọng ban đầu không đúng với khả năng thật sự của đối tượng, nhưng những hành động trong quá trình nỗ lực đã biến điều không thể thành có thể.

Bốn yếu tố kể trên của hiệu ứng Pygmalion có sự liên kết chặt chẽ với nhau và tạo thành một vòng tròn khép kín. Kết quả xuất sắc của đối tượng trong việc hoàn thành kỳ vọng ban đầu đã củng cố niềm tin, và khiến chúng ta nghĩ rằng nhận định ban đầu là đúng. Từ đó, niềm tin này lại ảnh hưởng đến hành động và tiếp tục chu trình vốn có của nó.

Ảnh hưởng của hiệu ứng Pygmalion trong cuộc sống

Hiệu ứng Pygmalion có cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực, hiệu ứng này có tác dụng cổ vũ con người, khích lệ tinh thần, giúp chúng ta vượt qua rào cản của bản thân, và mang đến động lực hoàn thành công việc một cách tốt hơn. Nhưng về mặt tiêu cực, niềm tin sai lệch đặt vào một người không có tác dụng khích lệ, mà còn khiến người đó cảm thấy áp lực, tuyệt vọng và đẩy họ vào tình cảnh tồi tệ hơn.

hiệu ứng PygmalionViệc đặt niềm tin và kỳ vọng một cách hợp lý cũng là điều chúng ta cần quan tâm khi áp dụng hiệu ứng Pygmalion.

Nếu biết cách sử dụng hiệu ứng Pygmalion một cách đúng đắn, hiệu suất làm việc và học tập sẽ được nâng cao. Rõ ràng là sự khích lệ của thầy cô, hay sếp lớn là nguồn động lực vô tận cho học sinh và nhân viên cố gắng nhiều hơn. Niềm tin và sự công nhận của những người ở vị trí cao hơn, với những người ở vị trí thấp hơn luôn có những ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của những người ở dưới.

Bạn có để ý rằng khi mệt mỏi hay chán nản, thì chỉ cần sự khích lệ và tin tưởng từ một người nào đó, bạn sẽ cảm thấy có lòng tin hơn vào bản thân, và cố gắng hết sức để không phụ lòng người đã tin tưởng mình. Đó lá cách hiệu ứng tâm lý này tác động tích cực đển tinh thần và hành động của chúng ta. Nhận thức được điều này, nhiều thầy cô giáo và các nhà lãnh đạo đã áp dụng Pygmalion vào việc quản lý học sinh và nhân viên.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý việc hiệu ứng này cũng mang đến những vấn đề tiêu cực. Việc đặt kỳ vọng sai lầm, hoặc vượt quá khả năng vào một đối tượng có thể hủy hoại người đó. Họ có thể bất chấp mọi thứ, kể cả sức khỏe và thủ đoạn, để đạt được mục tiêu, hoặc rơi vào trầm cảm vì chịu áp lực quá lớn. Tồi tệ hơn, họ có thể cảm thấy tuyệt vọng, tủi nhục khi chịu thất bại, điều này đánh nát sự tự tin và có thể khiến họ nghĩ quẫn.

Ngoài ra, nên nhớ rằng sự kỳ vọng làm ảnh hưởng đến hành vi và thái độ cư xử của chúng ta dành cho từng nhóm đối tượng. Thế nên, sự thiên vị này có thể gây ra vấn đề ghen tị, đấu đá, tẩy chay và cô lập trong nội bộ lớp học hoặc công ty. Chúng ta thấy rằng những người học giỏi, có tài năng, được cấp trên coi trọng thường là nạn nhân bị nói xấu, cô lập, và chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực do bị ghen ghét và hiểu lầm.

Áp dụng hiệu ứng Pygamlion trong giáo dục và quản lý nhân sự

Hiệu ứng Pygmalion không chỉ có thể ứng dụng trong giáo dục, mà còn cả trong quản lý nhân sự tại công ty. Thái độ và kỳ vọng của giáo viên dành cho học sinh và nhân viên có tác động rất lớn đến tinh thần và hành động của họ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, mà có thể khích lệ cả một tập thể, tạo nên văn hóa tích cực hoặc tiêu cực tại môi trường làm việc và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất của nhân viên.

hiệu ứng PygmalionVăn hóa và môi trường làm việc tích cực có ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng công việc của nhân viên, đây là điều những người quản lý cần hiểu rõ.

Biết cách tận dụng hiệu ứng Pygamlion một cách tích cực sẽ mang đến hiệu quả tuyệt vời trong giáo dục và quản lý nhân sự. Thầy cô và những người điều hành cần nắm được một số vấn đề cốt lõi của hiệu ứng tâm lý này, và có kế hoạch căn chỉnh, thay đổi nhằm phù hợp với văn hóa trường học và công ty. Quan trọng là ta nên có những kỳ vọng tích cực, và nhìn nhận đúng năng lực của từng cá nhân trong tập thể.

1. Đặt kỳ vọng đúng chỗ

Kỳ vọng chúng ta đặt vào một người không chỉ ảnh hưởng đến hành vi và thái độ của ta đối với họ, mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của họ dành cho bản thân. Niềm tin thể hiện thông qua hành động, hành động sẽ biến ký vọng thành thực tế. Do đó, chúng ta nên đặt kỳ vọng đúng chỗ, vừa phải và có thái độ khích lệ một cách tích cực dành cho học sinh hay cấp dưới của mình.

Bạn có thể đặt kỳ vọng cao hơn mức mong đợi dành cho học sinh hay nhân viên để khích lệ họ cố gắng. Nhưng mức độ ra sao là phù hợp thì cần dựa trên tình trạng cụ thể của từng người. Kỳ vọng vô lý và quá sức không chỉ không mang đến hiệu quả tích cực, mà còn tạo sức ép nặng nề lên vai cấp dưới. Làm việc trong môi trường áp lực quá mức có thể bóp chết sự sáng tạo và chôn vùi khả năng của chúng ta.

2. Nhìn nhận những điểm tích cực

Khả năng của mỗi người là không giống nhau, do đó thời gian để hiện thực hóa hành vi cũng khác nhau. Con người luôn có những khuyết điểm và ưu điểm, chúng ta nên nhìn nhận những mặt tích cực và đặt niềm tin vào khả năng của họ. Nhận thức một cách tích cực giúp ta thay đổi hành vi và cái nhìn của bản thân dành cho một đối tượng, khuyến khích họ cố gắng, cũng như ngăn cản những cách hành xử tiêu cực.

Nếu thầy cô hay người lãnh đạo luôn có cái nhìn phiến diện và tiêu cực cho một tập thể, sự tiêu cực ấy sẽ kéo cả tập thể đi xuống. Có thể ban đầu mọi thứ không quá tồi tệ. Khả năng của học sinh và nhân viên chưa đạt đến quy chuẩn yêu cầu của cấp trên, nhưng cũng không quá kém cỏi. Cái họ cần là sự khích lệ, thái độ coi trọng và niềm tin của giáo viên hay quản lý để có động lực cố gắng và vượt qua giới hạn.

hiệu ứng PygmalionNhìn nhận những điểm tích cực và biết cách tận dụng ưu điểm của nhân viên giúp cải thiện chất lượng công việc, khai phá những tiềm năng ẩn chứa của nhân viên.

Mất niềm tin vào tập thể và không tạo cơ hội cho họ phát triển là thất bại trong việc quản lý. Do đó những người lãnh đạo cần biết cách nhìn ra những ưu điểm của cá nhân hay tập thể, từ đó đánh trúng tâm lý của họ nhằm tăng hiệu quả và năng suất. Khi cảm thấy bản thân được coi trọng và khích lệ, học sinh và nhân viên có thể thay đổi hành vi và suy nghĩ theo chiều hướng tích cực hơn.

3. Tạo ra thách thức

Thách thức sẽ mang ý nghĩa tích cực nếu được đặt đúng lúc đúng chỗ. Tâm lý thỏa mãn và cảm giác thành tựu khi đạt được mục tiêu sẽ là một chất kích thích cực mạnh cho tinh thần của học sinh và nhân viên. Ngoài ra, việc không ngừng thử thách bản thân bằng những mục tiêu khó khăn cũng giúp cải thiện khả năng và tâm lý. Có như vậy, khả năng của chúng ta sẽ không ngừng vươn xa và vượt qua cả sự mong đợi ban đầu.

Những thách thức được đặt ra có thể cao hơn kỳ vọng và khả năng hiện có, nhưng cũng cần có mức độ nhất định. Như đã nói ở trên, kỳ vọng và thách thức quá vô lý chỉ có những ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của nhân viên. Khi đưa ra một yệu cầu gần như không thể làm được, thì đây không phải là thách thức theo hướng tích cực, mà trái lại còn ảnh hưởng đến tinh thần và khả năng làm việc, học tập của các đối tượng.

4. Xây dựng môi trường tích cực

Việc hạ thấp kỳ vọng, có thái độ coi thường và chửi bới không mang đến môi trường học tập và làm việc lành mạnh. Do đó chúng ta cần dùng thái độ và lời nói tích cực khi đối diện với nhân viên, học sinh. Muốn vậy thì ngay từ đầu, thầy cô hoặc quản lý cần nhìn nhận đúng thực lực và chỉ ra những điểm mạnh ở nhân viên, để chứng minh bản thân đặt niềm tin vào khả năng của họ. Từ đó giúp cải thiện môi trường làm việc theo hướng lành mạnh hơn.

Ngoài ra, môi trường lành mạnh và tích cực cũng khuyến khích giáo viên, học sinh, quản lý và nhân viên đưa ra những phản hồi đúng đắn nhằm cải thiện hiệu suất. Bất cứ ai trong quá trình học tập và làm việc đều không tránh khỏi sai lầm, do đó đưa ra lời khuyên hợp lý sẽ giúp hạn chế tình trạng này, cũng như tránh gây những ảnh hưởng lớn về sau. Vì thế, đưa ra phản hồi tích cực và nói rõ yêu cầu của bản thân là điều càn thiết.

hiệu ứng PygmalionMôi trường làm việc lành mạnh, thẳng thắn sẽ tạo cơ hội cho nhân viên cải thiện khả năng và phát triển tốt hơn, tứ đó nâng cao chất lượng công việc.

Hiệu ứng Pygmalion tác động từ niềm tin, thái độ đến hành động của đối tượng. Do đó, một trong những vấn đề tiêu cực của hiệu ứng này là: chúng ta có xu hướng bỏ qua những người được đánh giá là yếu kém và không có năng lực, hoặc đặt những niềm tin và kỳ vọng quá mức. Tác động tiêu cực này ngăn cản cơ hội phát triển và rèn luyện bản thân của nhiều người, và góp phần biến những nhận định như “yếu kém” và “không có tài năng” thành sự thật.

Hiệu ứng Pygmalion có cả những mặt tích cực và tiêu cực, tùy thuộc vào cách chúng ta áp dụng chúng vào cuộc sống. Những người khôn ngoan và có khả năng quản lý tốt sẽ biết tận dụng những điểm mạnh của hiệu ứng này, và hạn chế những điểm yếu đến mức tối đa. Trong giáo dục và quản lý nhân sự, hiệu ứng tâm lý này được sử dụng rất nhiều nhằm đề cao năng suất và chất lượng công việc.

Điều quan trọng nhất khi ứng dụng hiệu ứng này là cần ghi nhớ: niềm tin tích cực tạo nên suy nghĩ và hành động tích cực, từ đó ảnh hưởng đến môi trường xung quanh theo hướng lành mạnh. Kỳ vọng và thử thách hợp lý là chất xúc tác giúp chúng ta phát triển tài năng và khám phá những khả năng ẩn giấu. Hy vọng qua bài viết này, các bạn sẽ biết cách áp dụng Pygmalion vào thực tế cuộc sống.

Previous articleDòng điện làm các thiết bị điện hoạt động như thế nào ?
Next articleMarketing kiểu Steve Jobs: Đánh vào tâm lý “người ta có mình cũng phải có” của khách hàng.