An toàn điện cho hộ gia đình là vấn đề cần thiết và cấp bách đối với xã hội hiện nay khi mà các tai nạn về điện ngày càng có chiều hướng gia tăng gần đây. Vì thế việc trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về an toàn điện sẽ giúp bảo vệ bản thân bạn và những người thân yêu.
Khảo sát hệ thống điện trong các hộ gia đình, Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) cho biết con số đáng chú ý khi có gần 14% số hộ (trong tổng số hơn 13.500 hộ gia đình được chọn ở các quận huyện để ngành điện khảo sát và tư vấn) không đảm bảo an toàn về điện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Lâu nay, nhiều hộ gia đình trên địa bàn TPHCM vẫn chưa có thói quen quan tâm hoặc chưa thật sự đầu tư vào việc thiết kế hệ thống điện trong nhà. Nhiều gia đình chỉ lắp theo kinh nghiệm hoặc khoán trắng cho nhóm thợ thuê kiêm thiết kế lẫn thi công hệ thống điện trong nhà mình. Rất nhiều hệ lụy đã phát sinh từ sự bất cẩn này.
Theo chân đoàn công tác của Công ty Điện lực Hóc Môn, chúng tôi ghé nhà anh Phạm Khắc Huy (ấp Mỹ Hòa 1, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn) để tư vấn về hệ thống điện. Theo chính quyền địa phương, đây là hộ gia đình có kết hợp kinh doanh gas và thiết bị điện gia dụng.
Đoàn khảo sát tại nhà anh Phạm Khắc Huy đã ghi nhận được thực tế ổ cắm điện đặt gần bồn nước, dây diện không đi trong nẹp, cầu dao điện mất nắp bảo vệ… Trong quá trình khảo sát, các nhân viên của Công ty Điện lực Hóc Môn đã giải thích rõ cho gia đình anh Huy những hậu quả từ việc để đường dây điện như trên có thể gây chập mạch, quá tải điện năng, phóng điện… Nguy cơ càng cao hơn khi được đặt bên cạnh các vật liệu dễ cháy nổ trong nhà, đặc biệt là các bình gas mà chủ nhà kinh doanh.
Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Khắc Huy cũng nhìn nhận trước nay người nhà anh cũng không chú ý và gần như không nhận thức được các nguy hiểm tiềm ẩn như vậy. “Nhờ các anh bên điện lực tư vấn tôi mới biết gia đình mình mất an toàn về phòng cháy chữa cháy đến như vậy. Sau này chắc chắn chúng tôi sẽ khắc phục”, anh Huy cười cho biết.
Chúng tôi tiếp tục theo chân đoàn công tác tìm đến hộ gia đình chị Trần Thu Thủy (ấp Mỹ Hòa 3, xã Tân Xuân, Hóc Môn). Đoàn công tác ghi nhận gia đình chị có nhà ở kết hợp kinh doanh tạp hóa và từ khi nhà xây xong, đưa vào sử dụng đến nay, hệ thống điện trong nhà chị đã có không ít “đấu nối” phát sinh. Chị Thủy cho biết lúc đầu xây nhà có người thiết kế, đi dây điện đàng hoàng. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng có phát sinh thêm, chẳng hạn khi có em bé thì cần thêm nơi cắm quạt…
Tư vấn cho gia đình chị Thủy nói riêng, cũng như những hộ gia đình trên địa bàn huyện Hóc Môn mà đoàn công tác ghé, anh Nguyễn Thanh Tùng, Công ty Điện lực Hóc Môn, khuyến cáo: “Lắp đặt điện sao cho an toàn đòi hỏi phải tuân thủ các nguyên lý kỹ thuật. Vì vậy, người dân không nên tự ý giăng thêm dây điện trong nhà và thường xuyên bảo trì các thiết bị điện lâu năm. Khi cần thiết phải nhanh chóng thay những dây điện đã lão hóa. Những thiết bị sử dụng tải lớn nên thay những dây điện phù hợp với thiết bị điện đó để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ cho gia đình.
Thẩm duyệt PCCC trước khi cấp phép xây dựng
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TPHCM về tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ đảm bảo an toàn phòng cháy trong các hộ gia đình trên địa bàn TP, EVNHCMC đã xây dựng và triển khai kế hoạch công tác phòng chống cháy nổ do sử dụng điện trong nhân dân năm 2017. Trong đó, có hoạt động khảo sát tư vấn biện pháp sử dụng điện an toàn cho hơn 13.000 hộ gia đình (ưu tiên các khu vực có nhiều yếu tố tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao trong quá trình sử dụng điện).
Nhân viên Điện lực Hóc Môn tuyên truyền cho học sinh về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm
Tính đến nay, qua phối hợp với chính quyền địa phương và Cảnh sát PCCC các quận huyện, EVNHCMC đã thực hiện khảo sát hệ thống điện, tư vấn cho 14.176 hộ gia đình, đạt tỷ lệ 104,6% kế hoạch năm. Trong đó, phát hiện khoảng 13,93% số hộ có thiếu sót trong việc sử dụng điện an toàn và hướng dẫn khắc phục ngay.
Các lỗi dễ phát hiện nhất thường về kỹ thuật như: hệ thống dây dẫn điện trong nhà không phù hợp với phụ tải; không sử dụng thiết bị bảo vệ phù hợp nên khi có chạm chập, không cắt nguồn điện kịp thời; sử dụng vật tư, thiết bị điện không đúng quy cách, không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, việc lắp đặt thêm thiết bị sử dụng điện nhưng không kiểm tra tiết diện dây dẫn, thiết bị bảo vệ. Đặc biệt, tình trạng nhiều hộ gia đình ngụ chung trong một căn nhà (thường là nhà cũ) sử dụng mạng điện chung, dẫn đến công suất sử dụng vượt quá khả năng tải của dây dẫn lắp đặt ban đầu; dây dẫn điện, thiết bị điện sử dụng lâu ngày, không được kiểm tra bảo trì bảo dưỡng, thay thế.
Ngoài ra, theo thành viên đoàn tư vấn, một số thói quen của người dân cũng gây nguy cơ chạm, chập điện, cháy nổ cao như treo móc hàng hóa, vật dụng lên đường dây điện; chất hàng hóa, vật dụng lên dây dẫn điện, thiết bị điện; để các chất dễ cháy (gas, xăng, dầu, giấy, vải…) gần đường dây và các thiết bị sinh nhiệt (đèn, bàn ủi, bếp điện, ổ cắm điện, bảng điện, chấn lưu đèn huỳnh quang); quên rút phích cắm bàn ủi, quạt, lò điện khi sử dụng xong. Sử dụng chung ổ cắm điện cho nhiều thiết bị (tivi, quạt điện, tủ lạnh, bàn ủi); ổ cắm đặt gần vật dễ cháy; không ngắt điện thiết bị không sử dụng khi ra khỏi nhà, ra khỏi phòng làm việc…
Việc kiểm tra khảo sát chủ yếu thực hiện ở những căn nhà đã được xây dựng khá lâu năm. Riêng đối với những căn nhà mới xây dựng, theo phân tích của Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đỗ Phi Hùng thì đối với nhà ở riêng lẻ không có quy định thẩm duyệt PCCC trước khi cấp phép xây dựng. Cho nên, theo ông, cần có những hướng dẫn chi tiết hơn để đảm bảo công tác PCCC đối với hộ gia đình được thực hiện nghiêm trên toàn địa bàn.
Mỗi năm TPHCM có khoảng 59.000 nhà ở riêng lẻ được cấp giấy phép xây dựng. Theo các chuyên gia, để đảm bảo an toàn điện, rất cần có quy định cụ thể hoặc một ban liên ngành để thẩm duyệt PCCC cho hộ gia đình trước khi cấp phép xây dựng.
Trong khi chờ đợi, điều cần làm trước mắt là mỗi hộ dân cần quan tâm và đầu tư thỏa đáng hơn đến hệ thống điện trong gia đình để đảm bảo an toàn cho gia đình và cả khu vực xung quanh. Bởi đây là việc có liên quan mật thiết đến tính mạng con người.