Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện – Chương 1,2

BỘ CÔNG THƯƠNG

—–

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

——-

Số: 12/2008/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 17 tháng 6 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ AN TOÀN ĐIỆN

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006; Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;

Căn cứ Thông tư số 23/2007/TT-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện QCVN01:2008/BCT. Quy chuẩn này thay thế Tiêu chuẩn ngành từ II TCN-161-84 đến II TCN-167-84 Quy phạm Kỹ thuật an toàn khai thác thiết trí điện các nhà máy điện và lưới điện được ban hành kèm theo Quyết định số 25 ĐL/KT ngày 22 tháng 01 năm 1985 của Bộ trưởng Bộ Điện lực.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và áp dụng trong phạm vi cả nước.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:

– Văn phòng Chính phủ;

– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

– Tòa án Nhân dân tối cao;

– Cục Kiểm tra văn bản QPPL – Bộ Tư pháp;

– Công báo;

– Website Chính phủ;

– Sở CT tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

– BCT: Bộ trưởng, các Thứ trưởng;

– Các Vụ, Cục, Thanh tra Bộ;

– Lưu: VT, PC, ATMT.

BỘ TRƯỞNG

Vũ Huy Hoàng

Lời nói đầu

Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về An toàn điện (QCVN01:2008/BCT) do Tổ công tác sửa đổi, bổ sung Quy phạm kỹ thuật an toàn điện biên soạn, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp trình duyệt, Bộ Công Thương ban hành kèm theo Quyết định số 12 /2008/QĐ-BCT ngày 17 tháng 6 năm 2008.

QCVN01:2008/BCT quy định các nguyên tắc bảo đảm an toàn khi làm việc tại đường dây, thiết bị điện.

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ AN TOÀN ĐIỆN

(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2008/QĐ-BCT ngày 17 tháng 6 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chuẩn này quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn khi thực hiện các công việc xây dựng, vận hành, thí nghiệm, sửa chữa đường dây dẫn điện, thiết bị điện và các công việc khác theo quy định của pháp luật Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chuẩn này bắt buộc áp dụng cho tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực, sử dụng điện để sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 3. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực, sử dụng điện

1. Tuân thủ Quy chuẩn này và các quy định về an toàn khác liên quan đến công việc được giao.

2. Người sử dụng lao động phải

a) Đảm bảo điều kiện an toàn, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động tại nơi làm việc và đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

b) Huấn luyện kiến thức cần thiết về công tác an toàn cho người lao động theo quy định của pháp luật.

c) Tổ chức kiểm tra việc thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn tại hiện trường.

3. Tổ chức (cá nhân) thuê tổ chức (cá nhân) khác thực hiện các công việc có khả năng xảy ra tai nạn do điện thì hai bên phải thoả thuận và quy định rõ ràng các biện pháp an toàn, trách nhiệm của mỗi bên trước khi thực hiện công việc.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Người sử dụng lao động, bao gồm:

a) Chủ cơ sở hoặc người được chủ cơ sở ủy quyền điều hành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;

b) Giám đốc, Phó Giám đốc cơ sở; Thủ trưởng của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý và sử dụng lao động;

c) Người quản lý, điều hành trực tiếp các công trường, phân xưởng hoặc các bộ phận tương đương.

2. Người lãnh đạo công việc là người chỉ đạo chung khi công việc do nhiều đơn vị công tác của cùng một tổ chức hoạt động điện lực thực hiện.

3. Người chỉ huy trực tiếp là người có trách nhiệm phân công công việc, chỉ huy và giám sát nhân viên đơn vị công tác trong suốt quá trình thực hiện công việc.

4. Người cho phép là người thực hiện thủ tục cho phép đơn vị công tác vào làm việc khi hiện trường công tác đã đảm bảo an toàn về điện.

5. Người giám sát an toàn điện là người có kiến thức về an toàn điện được chỉ định và thực hiện việc giám sát an toàn điện cho đơn vị công tác.

6. Người cảnh giới là người được chỉ định và thực hiện việc theo dõi và cảnh báo an toàn liên quan đến nơi làm việc đối với cộng đồng.

7. Đơn vị công tác là đơn vị thực hiện công việc sửa chữa, thí nghiệm, xây lắp .v.v…

8. Đơn vị quản lý vận hành là đơn vị trực tiếp thực hiện công việc quản lý, vận hành các thiết bị, đường dây dẫn điện.

9. Nhân viên đơn vị công tác là người của đơn vị công tác trực tiếp thực hiện công việc do người chỉ huy trực tiếp phân công.

10. Làm việc có điện là công việc làm ở thiết bị đang mang điện, có sử dụng các trang bị, dụng cụ chuyên dùng.

11. Làm việc không có điện là công việc làm ở thiết bị điện đã được cắt điện từ mọi phía.

12. Phương tiện bảo vệ cá nhân là trang bị mà nhân viên đơn vị công tác phải sử dụng để phòng ngừa tai nạn cho chính mình.

13. Thiết bị và vật liệu điện là máy móc, công cụ, đồ dùng điện; vật liệu dẫn điện, cách điện; các kết cấu hỗ trợ sử dụng trong hoạt động điện lực và sử dụng điện.

14. Xe chuyên dùng là loại xe được trang bị phương tiện để sử dụng cho mục đích riêng biệt.

15. Cắt điện là cách ly phần đang mang điện khỏi nguồn điện.

16. Thiết bị điện hạ áp là thiết bị mang điện có điện áp dưới 1000V.

17. Thiết bị điện cao áp là thiết bị mang điện có điện áp từ 1000V trở lên.

Chương II. THIẾT LẬP VÙNG LÀM VIỆC

Mục 1. ĐẶT RÀO CHẮN VÀ BIỂN BÁO, TÍN HIỆU

Điều 5. Cảnh báo

Tại các khu vực nguy hiểm và khu vực lắp đặt thiết bị điện phải bố trí hệ thống rào chắn, biển báo, tín hiệu phù hợp để cảnh báo nguy hiểm.

Điều 6. Thiết bị lắp đặt ngoài trời

Đối với thiết bị điện cao áp lắp đặt ngoài trời, người sử dụng lao động phải thực hiện các biện pháp sau để những người không có nhiệm vụ không được vào vùng đã giới hạn:

1. Rào chắn hoặc khoanh vùng .v.v…

2. Tín hiệu cảnh báo “cấm vào” được đặt ở lối vào, ra.

3. Khóa cửa hoặc sử dụng dụng cụ tương đương khác bố trí ở cửa vào, ra.

Điều 7. Thiết bị lắp đặt trong nhà

Đối với thiết bị điện cao áp lắp đặt trong nhà, người sử dụng lao động phải thực hiện các biện pháp thích hợp để ngoài nhân viên đơn vị công tác và người trực tiếp vận hành, những người khác không đi đến gần các thiết bị đó.

Điều 8. Đặt rào chắn tạo vùng làm việc cho đơn vị công tác

Khi vùng làm việc của đơn vị công tác mà khoảng cách đến các phần mang điện ở xung quanh không đạt được khoảng cách quy định ở bảng dưới đây thì phải làm rào chắn để ngăn cách vùng làm việc của đơn vị công tác với phần mang điện.

Cấp điện áp (kV)

Khoảng cách (m)

Đến 15

0,7

Trên 15 đến 35

1,0

Trên 35 đến 110

1,5

220

2,5

500

4,5

 

Khoảng cách từ rào chắn đến phần mang điện được quy định ở bảng sau:

Cấp điện áp (kV)

Khoảng cách (m)

Đến 15

0,35

Trên 15 đến 35

0,6

Trên 35 đến 110

1,5

220

2,5

500

4,5

Điều 9. Sắp xếp nơi làm việc

Trong quá trình làm việc, dụng cụ, vật liệu, thiết bị… làm việc phải để gọn gàng và tránh gây thương tích cho mọi người.

Điều 10. Chiếu sáng vị trí làm việc

1. Người sử dụng lao động phải duy trì cường độ chiếu sáng tại vị trí làm việc phù hợp với quy định.

2. Người sử dụng lao động phải đảm bảo việc chiếu sáng không gây chói mắt hoặc gây tương phản giữa sáng và tối.

Điều 11. Cảnh báo tại nơi làm việc

Người chỉ huy trực tiếp đơn vị công tác phải đặt các tín hiệu cảnh báo an toàn tại những vùng nguy hiểm trong quá trình thực hiện công việc để đảm bảo an toàn cho nhân viên đơn vị công tác và cộng đồng.

Mục 2. ĐẢM BẢO AN TOÀN NƠI CÔNG CỘNG

Điều 12. Đặt rào chắn

Đơn vị công tác phải thực hiện các biện pháp thích hợp như đặt rào chắn nếu thấy cần thiết quanh vùng làm việc sao cho người không có nhiệm vụ không đi vào đó gây tai nạn và tự gây thương tích. Đặc biệt trong trường hợp làm việc với đường cáp điện ngầm, đơn vị công tác phải thực hiện các biện pháp nhằm tránh cho người có thể bị rơi xuống hố.

Điều 13. Tín hiệu cảnh báo

Đơn vị công tác phải đặt tín hiệu cảnh báo trước khi làm việc nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Điều 14. Làm việc tại đường giao thông

1. Khi sử dụng đường giao thông cho các công việc như xây dựng và sửa chữa, đơn vị công tác có thể hạn chế sự qua lại của phương tiện giao thông, người đi bộ nhằm giữ an toàn cho cộng đồng.

2. Khi hạn chế các phương tiện tham gia giao thông, phải thực hiện đầy đủ quy định của các cơ quan chức năng liên quan và phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:

a) Phải đặt tín hiệu cảnh báo và bố trí người hướng dẫn nhằm tránh nguy hiểm cho cộng đồng;

b) Chiều rộng của đường để các phương tiện giao thông đi qua phải đảm bảo quy định của cơ quan quản lý đường bộ.

3. Khi hạn chế đi lại của người đi bộ, để đảm bảo việc qua lại an toàn, phải thực hiện căng dây, lắp đặt rào chắn tạm thời .v.v… và có biển chỉ dẫn cụ thể.

4. Khi công việc được thực hiện ở gần đường sắt, đường bộ, đường thuỷ, hoặc tại vị trí giao chéo giữa đường dây dẫn điện với các đường giao thông nói trên, đơn vị công tác phải liên hệ với cơ quan có liên quan và yêu cầu cơ quan này bố trí người hỗ trợ trong khi làm việc để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, nếu thấy cần thiết.

Previous articleChuyển đổi độ F sang độ C
Next articleQuy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện – Chương 3,4,5