Là một người khởi nghiệp từ năm 17 tuổi và thường xuyên theo sát giới khởi nghiệp trong nhiều năm, Lê Hoàng Uyên Vy – Giám đốc điều hành ESP Capital, đã có nhiều góc nhìn rất thú vị về giới khởi nghiệp Việt Nam, trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai.
Theo nữ CEO trẻ tuổi, mới chỉ trong vòng 3 năm, Việt Nam đã có một bước đại nhảy vọt trong mảng khởi nghiệp, từ một đất nước vô danh thành một cường quốc ở bản đồ khởi nghiệp Đông Nam Á.
Cụ thể, năm 2017, số tiền đầu tư vào giới khởi nghiệp Việt Nam không đáng kể, nhưng chỉ trong 2 năm, chúng ta đã có những bước phát triển nhảy vọt, vươn lên đứng thứ 3 (sau Singapore và Indonesia) về thu hút đầu tư.
Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử, có thương vụ đầu tư vào một startup tại Việt Nam lại nhiều hơn 50 triệu USD, Tiki và Topica là hai trong những doanh nghiệp đã làm được việc đó. Hiện tại, ngoài VNG được định giá 2,2 tỷ USD, đang có rất nhiều startup được định giá trên 100 triệu USD như VNPay, Sendo, Momo, Tiki, Topica, Yeah1, Be, Trustingsocial… Ngược lại, Thái Lan chỉ có khoảng 5 công ty startup được định giá trên 100 triệu USD.
“Sở dĩ, Việt Nam có thể trở thành điểm đến hấp dẫn – miền đất hứa của giới khởi nghiệp là nhờ 4 yếu tố sau: tài năng, ngân quỹ đầu tư dồi dào, sự tham gia của các doanh nghiệp lớn và sự ủng hộ tích cực từ Chính phủ“, Lê Hoàng Uyên Vy nhận định.
Về tài năng: trong những năm qua, giới khởi nghiệp Việt Nam đã chứng kiến sự xuất hiện của 3 thế hệ tài năng về khởi nghiệp.
Thế hệ đầu tiên gồm những cái tên như VNG, Vatgia.com, VCCorp, STI, Nextech, VMG…Đây là thế hệ mà làm tốt thì sẽ thành công rất nhanh, founder thế hệ này thích đầu tư giàn hàng ngang qua nhiều lĩnh vực khác nhau, ví dụ như VNG: ngoài game, họ có Zing News, Zing Music, Zalo….
VNG – startup nổi bật nhất của thế hệ thứ nhất.
Thế hệ thứ hai gồm Foody, Tiki, Topica, Batdongsan.com, Nhaccuatui, Sendo…Thế hệ này có những điểm giống và khác thế hệ đầu tiên, khi ra mắt sản phẩm của họ chịu nhiều áp lực cạnh tranh hơn nên mất nhiều thời gian để thành công hơn. Có một điểm khác biệt lớn, là nếu công ty phát triển tốt, muốn đi lên nhanh họ sẽ không đầu tư hàng ngang mà đầu tư chuyên sâu để tăng lợi thế cạnh tranh, ví dụ: sau khi hoàn thành mảng thương mại điện tử cho sách, Tiki chuyển sang đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm và bây giờ là Tiki Now – đội vận chuyển riêng của bản thân.
Thế hệ thứ ba là Luxstay, Elsa, Trustingsocial, Ecomobi, Jio…Đây là thế hệ không còn sự xa hoa, ung dung ngồi một chỗ để làm việc mình thích, họ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt không chỉ trong nước mà còn ở quốc tế. Thế nên, không hiếm startup ở thế hệ này khởi nghiệp tại nước ngoài sau đó mới quay về ‘đánh chiếm’ thị trường Việt Nam. Khi vừa khởi nghiệp, họ đã là doanh nghiệp hoạt động trên phạm vi toàn cầu hoặc khu vực.
Ví dụ: Founder Ecomobi – chuyên về quảng cáo – truyền thông mở công ty tại Singapore nhưng quyết định qua Indonesia để bắt đầu hành trình của mình, với lời tâm sự cùng Lê Hoàng Uyên Vy là ‘nếu không thành công, sẽ bỏ ngành đi làm việc khác’. May mắn thay, sau 6 tháng, Ecomobi cũng dành được hợp đồng đầu tiên và phát triển rực rỡ cho đến tận bây giờ.
Bên cạnh đó, nhiều founder trong Gen3 đã bắt đầu lập nghiệp với các công việc trong các tập đoàn đa quốc gia trên khắp thế giới, chỉ sau khi đã tích lũy đủ tài chính, kinh nghiệm và các mối quan hệ, họ mới quay trở lại Việt Nam làm về deeptech – công nghệ chuyên sâu. Ví dụ: Genetica làm về gen, Elsa chuyên ứng dụng AI trong giáo dục…
Ngoài ra, không ít founder thế hệ thứ ba từng ‘tốt nghiệp’ từ các doanh nghiệp khởi nghiệp quy mô lớn như Lazada, Topica, VNG… như Wefit, F88… cũng như khởi nghiệp nhiều lần giống Luxstay.
Topica là nơi đào tạo của không ít founder ở thế hệ thứ ba.
“Thế nên, trong 3 thế hệ, thế hệ thứ 3 thừa hưởng được nhiều kinh nghiệm, bài học quý báu của thế hệ đi trước – công ty toàn cầu, nên họ hội nhập thế giới tốt hơn, doanh nghiệp của họ đi ra khu vực và thế giới nhanh hơn“, Lê Hoàng Uyên Vy kết luận.
Sở dĩ, tài năng khởi nghiệp của Việt Nam nở rộ như thế là nhờ sự hỗ trợ hết sức tích cực từ phía Chính phủ, khi xem khoa học là trọng tâm phát triển của đất nước. Trong vài năm gần đây, Chính phủ đã xây dựng được hạ tầng tương đối hoàn chỉnh để ‘nuôi nấng’ các startup, thường xuyên mở các lớp đào tạo nhân tài, tổ chức các sự kiện dành cho giới khởi nghiệp, xây dựng khung hành lang pháp lý phù hợp….
Chính phủ vừa lên kế hoạch sẽ xây dựng một trung tâm về Đổi mới sáng tạo quốc gia, trụ sở đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, với số tiền đầu tư vào khoảng 73 triệu USD. Hay lần đầu tiên nghe rằng, Việt Nam có quỹ tên là Vietnam Global Innovation, chuyên tài trợ học bỗng du học cho các tài năng Việt mà không cần họ bồi hoàn cho Chính phủ bằng bất cứ hình thức nào, vì tin rằng họ sẽ tự trở về; Giám đốc điều hành ESP Capital đã rất ngạc nhiên.
Với sự bùng nổ về quy mô lẫn chất lượng của khởi nghiệp Việt Nam, tất nhiên các quỹ đầu tư trong và ngoài nước không thể ngó lơ.
Năm 2017, số tiền đầu tư vào giới khởi nghiệp Việt Nam chỉ là 46 triệu USD, đến 208 là 444 triệu USD, đến nửa đầu năm 2019 là 246 USD; Lê Hoàng Uyên Vy dự đoán cuối năm tổng mức đầu tư vài giới khởi nghiệp Việt sẽ gần gấp đôi năm 2018 – 800 triệu USD. 3 lĩnh vực thu hút được nhiều tiền đầu tư nhất trong năm 2018-2019 là bán lẻ, tài chính và giáo dục.
“800 triệu USD là theo kiểu thống kê chặt chẽ của tôi, vì tôi sợ mình hớ. Có khi, kết quả vào cuối năm 2019 còn tốt hơn con số đó“, CEO ESP Capital bình luận.
Năm 2017, chỉ có 32 nhà đầu tư tham gia rót tiền vào giới khởi nghiệp Việt Nam, nhưng đến năm 2018 đã tăng lên 52 và nửa đầu năm 2019, con số đó đã là 61. Trong đó, Hàn Quốc đang là quốc gia tích cực đầu tư vào Việt Nam nhất, với 13 nhà đầu tư trong năm 2018, hơn cả trong nước – 10 nhà đầu tư.
Tuy nhiên, trong tương lai, nhiều khả năng các nhà đầu tư trong nước sẽ lấy lại được vị thế vốn có của mình, khi đang có rất nhiều ông lớn ngoài FPT nhảy vào muốn hỗ trợ giới khởi nghiệp Việt – cả về kinh nghiệm lẫn tài chính. Từ năm ngoái đến thời diểm hiện tại, chúng ta thấy có Vingroup, Viettel, CMC, VPBank… tuyên bố là muốn tham gia vào cuộc chơi khởi nghiệp.
“Tại Thái Lan, hầu hết các doanh nghiệp lớn của họ đều có một ngân quỹ riêng dành để hỗ trợ cho giới khởi nghiệp trong nước, nhưng ở Việt Nam bây giờ chúng ta mới làm“, CEO Uyên Vy cho biết.
Cuối cùng, theo quan sát của Lê Hoàng Uyên Vy, thì lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ sẽ bùng phát trong tương lai gần, sự phát triển của mảng này tại Việt Nam sẽ giống con đường Trung Quốc đã đi. Du lịch, y tế và logistic là 3 lĩnh vực mà theo chị, nếu áp dụng công nghệ tốt có thể thắng lớn. Những startup có khả năng thực thi tốt, tập trung vào nhóm khách hàng trẻ và tầng trung lưu được kỳ vọng sẽ phát triển vượt trội.
Và nếu muốn khởi nghiệp, các bạn trẻ cần phải làm nhanh, vì Việt Nam còn khoảng 15 năm nữa vẫn là thời điểm dân số vàng; qua thời điểm này, khi độ tuổi trung bình của người Việt tầm 443 tuổi, mọi chuyện sẽ rất khó khăn.