Các tai nạn về điện là điều mà chúng ta đều không muốn gặp phải, vì vậy phải luôn trang bị cho bản thân những kiến thức cần biết để có thể kịp thời xử lý. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn xác định mức điện áp gây nguy hiểm đến con người.
Mức điện áp gây nguy hiểm cho con người
Các mức điện áp thấp dưới 50V là ít nguy hiểm và điện áp cách ly nói chung là an toàn hơn cho người sử dụng. Tùy vào mục đích sử dụng mà ta cần mức điện áp khác nhau cũng như nguồn điện sử dụng cách ly.
Các yếu tố ảnh hưởng đến tai nạn điện giật bao gồm các yếu tố sau :
1. Cường độ dòng điện đi qua cơ thể
Giá trị dòng điện qua người quyết định là một trong các yếu tố gây nguy hiểm cho người. Qua nghiên cứu và phân tích các tai nạn điện, thấy rằng với dòng điện xoay chiều, tần số 50-60hz, giá trị an toàn cho người nhỏ hơn 10mA . Mức cường độ từ 30mA có khả năng ảnh hưởng đến tính mạng con người.
2. Thời gian bị điện giật
Thời gian bị điện giật có ảnh hưởng lớn đến tình trạng nguy hiểm của người khi bị điện giật và khác nhau đối với tình trạng sức khỏe của người.
Giá trị dòng điện lớn nhất cho phép trong thời gian để tạo nên tim ngừng đối với người khỏe và người yếu. Thời gian bị điện giật phải nhỏ từ 0,1-0,2 giây thì không gây nguy hiểm. Thời gian càng tăng do ảnh hưởng phát nóng, lớp sừng trên da bị chọc thủng, điện trở của người giảm xuống nhanh, dòng điện đi qua các thiết bị điện sẽ tăng vọt và càng nguy hiểm hơn.
3. Điện trở của người
Khi người chạm vào 2 cực của nguồn điện hay hai điểm của mạch điện, cơ thể người trở thành 1 bộ phận của mạch điện. Điện trở của người là trị số của điện trở đo được giữa hai điện cực đặt trên cơ thể người. Có thể chia điện trở người thành 2 phần: điện trở lớp da ở chỗ 2 điện cực đặt trên và điện trở bên trong cơ thể.
Điện trở của người không phải cố định mà thay đổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tình trạng của lớp sừng trên da, diện tích và áp suất tiếp xúc, cường độ và dòng điện qua người, thời gian tiếp xúc, tần số dòng điện và trạng thái bệnh lý của người.
Khi da bị ướt hay có mồ hôi, điện trở của người giảm. Diện tích tiếp xúc càng lớn thì điện trở của người càng nhỏ. Với điện áp từ 50V-60V có thể xem điện trở của người tỉ lệ nghịch với diện tích tiếp xúc.
Khi áp xuất tiếp xúc lớn hơn 1kg/cm2 thì điện trở của người gần như tỷ lệ thuận với áp suất tiếp xúc.
Thời gian tác dụng lâu điện trở người càng giảm vì da bị nóng, ra mồ hôi và do những biến đổi điện phân trong cơ thể. Khi điện áp tăng lên thì điện trở của người bị giảm xuống. Đối với da ẩm điện trở của người 10000Ω với điện áp tác dụng là 10V, điện áp 40V, điện trở người giảm gần bằng 2000 Ω
Điện trong nhà không gây nguy hiểm như điện ngoài trời vì khi vào nhà bạn dòng điện đi qua đồng hồ có cường độ giảm đi chỉ còn từ 10A đến 30A do đó khi giật ít nguy hiểm hơn điện ngoài trời (Có cường độ rất lớn), trừ trường hợp có nước và tay chân bị ẩm thì cường độ dòng điện qua người bạn cao hơn. Chúng ta cũng biết là da của mỗi người có một sức cản điện khác nhau mà ta gọi là điện trở. Vì vậy mà có người chịu nổi dòng điện 300V khi sờ vào mà không bị giật, trong khi đó người khác chỉ chạm vào điện 220V là đủ để tử vong!
4. Đường đi dòng điện qua người
Để đánh giá mức độ nguy hiểm của dòng điện qua người, thường dựa vào phân lượng dòng điện chạy qua tim và đây là tác dụng nguy hiểm nhất làm tê liệt tuần hoàn dẫn đến chết người. Kết quả nghiên cứu cho thấy phân lượng dòng điện qua tim theo các con đường dòng điện qua người như sau:
- Từ chân qua chân: 0,4%( kém nguy hiểm)
- Từ tay qua tay: 3,3% ( nguy hiểm)
- Từ tay trái qua chân: 3,7% ( nguy hiểm)
- Từ tay phải qua chân: 6,7% ( nguy hiểm nhất)
Từ đây nhận thấy rằng, tai nạn điện thường rơi vào trường hợp nguy hiểm nhất vì số người đều thuận tay phải.
5. Tần số dòng điện
Dòng điện một chiều được coi là ít nguy hiểm hơn dòng điện xoay chiều và đặc biệt là dòng điện xoay chiều tần số công nghiệp 50-60Hz. Điều này có thể giải thích là do dòng điện tần số công nghiệp tạo nên sự rối loạn mà con người khó có thể tự giải phóng dưới tác dụng của dòng điện, dù cho nó có giá trị bé.
Dòng điện tần số càng cao càng ít nguy hiểm. dòng điện tần số trên 500Khz không gây giật vì tác động quá nhanh hơn thời gian cảm ứng của các cơ nhưng cũng có thể gây bỏng.
6. Điện áp cho phép
Vì việc bảo vệ an toàn xuất phát từ một điện áp dễ hình dung giá trị dòng điện qua người nên trong thực tế đòi hỏi quy định các giá trị điện áp mà con người có thể chịu đựng được.
Giá trị điện áp cho phép quy định mà con người có thể chịu đựng được tuỳ thuộc vào môi trường làm việc cụ thể, công suất nguồn, khả năng được bảo đảm an toàn của bản thân trang thiết bị và phương tiện bảo hộ. ngoài ra còn lưu ý đến xác suất nguy hiểm có thể xảy ra. Thông thường, mức điện áp từ 40V trở lên được đánh giá là mức nguy hiểm.
Thông thường 3 loại điện áp lớn nhất cho phép được quy định là:
- Điện áp lớn nhất Umax của các dụng cụ cầm tay, đèn điện
- Điện áp tiếp xúc Utx và điện áp bước Ub
- Điện áp cảm ứng cho phép lớn nhất
Dòng điện xoay chiều được đánh giá là có tính nguy hiểm hơn điện 1 chiều bởi có khả năng gây co cơ và làm đứng tim.
Qua bài viết này hi vọng là bạn có thể xác định mức điện áp gây nguy hiểm cho con người. Ngày nay các tai nạn về điện có xu hướng tăng cao nên việc phòng ngừa để tránh mắc phải những sự cố đáng tiếc xảy ra là điều cần phải chú ý.