Động cơ không đồng bộ 3 pha là loại máy điện xoay chiều, biến điện năng thành cơ năng và hoạt động dựa trên nguyên tắc cảm ứng điện từ có tốc độ quay của Rotor nhỏ hơn tốc độ quay của từ trường.
Máy điện không đồng bộ có nhiều loại, được chia theo nhiều cách khác nhau, sau đây là một số loại cơ bản:
- Theo kết cấu của vỏ: máy điện không đồng bộ có thể chia theo các kiểu chính sau: kiểu kín, kiểu hở, kiểu bảo vệ, kiểu chống nổ…
- Theo kết cấu Rotor: Rotor kiểu lồng sóc và Rotor kiểu dây quấn.
- Theo số pha trên dây quấn Sator: 1 pha, 2 pha, 3 pha.
Để hiểu rõ hơn về loại động cơ không đồng bộ 3 pha này, chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu cấu tạo của nó như thế nào qua bài viết này nhé!
Hình 1. Cấu tạo chung của động cơ không đồng bộ 3 pha.
Động cơ không đồng bộ 3 pha được khái quát như hình 1, có hai phần chính để động cơ hoạt động, đó là:
1. Stator (Đứng yên)
Bên trong khung Stator bao gồm lõi thép, dây quấn Stator (cuộn dây Stator) và vỏ máy.
Hình 2. Cấu tạo chung của Stator.
Hình 3. Sơ đồ mặt cắt của stator.
1.1. Lõi thép
Hình 4. Hình chiếu mặt cắt của lõi thép trong Stator.
- Được ép trong vỏ máy làm nhiệm vụ dẫn từ.
- Lõi thép stator hình trụ do các lá thép kỹ thuật điện được dập rãnh bên trong ghép lại với nhau tạo thành các rãnh.
- Mỗi lá thép kỹ thuật đều được phủ sơn cách điện để giảm hao tổn do dòng xoáy gây nên.
- Phía trong có xẻ rãnh để đặt dây quấn.
1.2. Dây quấn
Hình 5. Sơ đồ khai triển dây quấn ba pha đặt trong 12 rãnh.
– Dây quấn stator làm bằng dây đồng, bọc cách điện, đặt trong các rãnh của lõi thép.
– Sơ đồ khai triển dây quấn ba pha đặt trong 12 rãnh:
- Dây quấn pha A trong các rãnh 1, 4, 7, 10.
- Dây quấn pha B trong các rãnh 3, 6, 9, 12.
- Dây quấn pha C trong các rãnh 5, 8, 11, 2.
- Dòng xoay chiều ba pha chạy trong ba pha dây quấn stator sẽ tạo ra từ trường quay.
1.3. Vỏ máy
- Giữ chặt lõi thép và cố định máy trên bệ.
- Được làm bằng nhôm hoặc gang.
- Hai đầu có nắp máy, trong nắp có ổ đỡ trục.
- Vỏ và nắp máy còn dùng để bảo vệ máy.
2. Rotor (Quay)
Rotor cũng bao gồm lõi thép và dây quấn.
Hình 6. Cấu tạo của rotor.
Hình 7. Sơ đồ mặt cắt rotor.
2.1. Lõi thép
Hình 8. Hình chiếu mặt cắt của lõi thép rotor.
- Gồm các lá thép kỹ thuật điện giống stator, các lá thép này lấy từ phần ruột bên trong khi dập lá thép stator.
- Mặt ngoài có xẻ rãnh đặt dây quấn rotor, ở giữa có lỗ để gắn với trục máy.
- Trục máy được gắn với lõi thép rotor và làm bằng thép tốt.
2.2. Dây quấn
Dây quấn được đặt trong lõi thép rôto, và phân làm 2 loại chính: loại rotor kiểu lồng sóc và loại rotor kiểu dây quấn.
Hình 9. Hình minh hoạ cho dây quấn bên trong rotor.
– Rotor dây quấn:
Hình 10. Rotor dây quấn và sơ đồ mạch điện của rotor dây quấn.
- Giống dây quấn stator.
- Dây quấn ba pha của rotor đấu sao, ba đầu còn lại được nối với ba vành trượt làm bằng đồng gắn ở một đầu trục, cách điện với nhau và với trục.
- Thông qua chổi than và vành trượt, có thể nối dây quấn rotor với điện trở phụ bên ngoài. Khi làm việc bình thường, dây quấn rotor được nối ngắn mạch.
– Rotor lồng sóc:
Hình 11. Rotor lồng sóc và rotor lồng sóc rãnh chéo.
- Rotor lồng sóc của các máy công suất lớn hơn 100 kW là các thanh đồng đặt trong rãnh của lõi thép, hai đầu nối ngắn mạch bằng hai vòng đồng tạo thành lồng sóc.
- Đối với động cơ công suất nhỏ, lồng sóc được chế tạo bằng cách đúc nhôm vào các rãnh lõi thép rotor, tạo thành thanh nhôm, hai đầu đúc vòng ngắn mạch và cánh làm mát.