10 quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới

Người Mỹ chiếm 5% dân số thế giới nhưng họ sử dụng 20% năng lượng và tạo ra 40% rác thải của trái đất. Tuy nhiên, nếu tính theo bình quân đầu người quy đổi ra kg, Mỹ chỉ đứng thứ 9 trong bảng danh sách 10 quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới.
Bài phân tích của tác giả Andrew Topf đăng trên trang mạng OilPrice gần đây đã tập hợp các dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới về việc sử dụng năng lượng từ các nguồn khác nhau, bao gồm cả nhiên liệu hóa thạch và năng lượng tái tạo để đánh giá những nước sử dụng nhiều năng lượng nhất cùng với những lý do giải thích cụ thể:
1. Iceland – 18.774 kg
Trong tất cả các nước trên thế giới, bao gồm cả các nhà sản xuất dầu lớn nhất và giàu có nhất, Iceland tiêu thụ nhiều năng lượng nhất dựa trên bình quân mỗi người. Lý do cơ bản là sự dư thừa và hầu hết năng lượng của Iceland được sản xuất từ thủy điện và địa nhiệt. Tại Iceland, người dân nước này ít lo ngại về vấn đề năng lượng nhất hành tinh.

2. Qatar – 17.418 kg
Theo National Geographic, người dân quốc gia được ví là “nghiện dầu” bởi mức tiêu thụ dầu mỏ bình quân đầu người rất cao, đang được cung cấp miễn phí điện và nước. Ngay cả nước ở Qatar cũng được mô tả như là “điện hóa lỏng” bởi vì nó thường được sản xuất thông qua quá trình khử muối và tiêu tốn nhiều năng lượng. Lượng khí thải bình quân đầu người của Qatar là cao nhất trên thế giới, gấp ba lần so với Mỹ.
3. Trinidad và Tobago – 15.691 kg
Trinidad và Tobago là một trong những nước giàu nhất trong vùng biển Caribbean, và là nhà sản xuất hàng đầu của khu vực về dầu mỏ và khí đốt; sở hữu một trong những cơ sở chế biến khí tự nhiên lớn nhất ở Tây bán cầu. Trinidad và Tobago cũng là nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất sang Mỹ. Ngành điện của nước này được cung cấp hoàn toàn bằng khí đốt tự nhiên.

4. Kuwait – 10.408 kg
Mặc dù đang nắm giữ trữ lượng dầu mỏ lớn thứ sáu trên thế giới, song nhu cầu về điện tại Kuwait thường vượt quá cung. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), Kuwait luôn trong tình trạng thiếu điện kinh niên và việc mất điện thường xuyên xảy ra vào dịp hè. Kuwait đã trở thành nước nhập khẩu ròng khí đốt tự nhiên để giải quyết hiện trạng mất cân bằng này.

5. Brunei – 9.427 kg
Mặc dù là một nhà sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ và khí thiên nhiên đáng kể sang châu Á, song Brunei cũng là nước ngốn “điện” kinh khủng. Quốc gia này có số lượng ô tô tính bình quân đầu người cao nhất khu vực. Brunei trợ giá cả điện và nhiên liệu sử dụng cho các phương tiện đi lại và được bán cho công chúng với giá thấp hơn thị trường.

6. Luxembourg – 7.684 kg
Luxembourg gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng, chủ yếu là dầu khí. Năng lượng tiêu thụ của nước này đã tăng 32% kể từ năm 1990, trong đó ngành giao thông chiếm tỷ trọng khoảng 60% (theo điều tra thực tế của Liên minh châu Âu).

7. Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) – 7.407 kg
Mức tiêu thụ năng lượng đáng chú ý là Ski Dubai – khu nghỉ mát bên trong nhà gồm một ngọn núi tuyết nhân tạo cao 85 m tiêu tốn năng lượng tương đương với 3.500 thùng dầu mỗi ngày. Viện Tài nguyên Thế giới ước tính UAE sử dụng 481 tấn dầu tương đương để tạo ra GDP giá trị 1 triệu USD, so với con số 172 tấn của Na Uy.

8. Canada – 7.333 kg
Những người dân Canada yêu chuộng hòa bình chắc chắn yêu thích xe hơi, cùng với lò sưởi, bồn tắm nước nóng và các đồ chơi ngốn năng lượng khác. Trong khi nhiều người đánh đồng ngành năng lượng của Canada với dầu cát, nhưng thực tế các loại hình năng lượng chiếm các tỷ trọng tiêu thụ khác nhau. EcoSpark công bố một biểu đồ hình tròn cho thấy hơn một nửa (57,6%) sản lượng điện của Canada xuất phát từ thủy điện, than là lựa chọn phổ biến thứ hai với 18%. Năng lượng hạt nhân đứng thứ ba (14,6%), còn dầu mỏ và khí đốt chỉ chiếm lần lượt 6,3% và 1,5% theo thứ tự.

9. Mỹ – 6.793 kg
Là nền kinh tế lớn nhất và là quốc gia giàu nhất thế giới, Mỹ rõ ràng phải nằm trong danh sách 10 quốc gia ngốn năng lượng hàng đầu. Tuy nhiên, một thực tế khó hiểu là mặc dù kinh tế tăng trưởng hàng năm, song tiêu thụ năng lượng bình quân đầu người của Mỹ vẫn duy trì ở mức tương tự kể từ thập kỷ 1970. Theo EIA, cách giải thích chỉ đơn giản là do Mỹ đã chuyển được rất nhiều phần năng lượng phục vụ nhu cầu sản xuất ra nước ngoài.

10. Phần Lan – 6.183 kg
Với hơn một phần ba lãnh thổ trên vòng Bắc cực, khí hậu lạnh, dân cư thưa thớt và một nền kinh tế công nghiệp hóa cao, nên không có gì khó hiểu khi Phần Lan là một trong những quốc gia sử dụng năng lượng bình quân đầu người cao nhất ở châu Âu. Tuy nhiên, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Phần Lan đang có kế hoạch đa dạng hóa nền kinh tế hạn chế nguồn nhiên liệu dựa trên carbon, thông qua việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, bao gồm cả nguồn biomass (năng lượng sinh khối), và đã thông qua kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân mới.
Theo báo Tin tức

Previous articleSự khác nhau giữa đồng thau và đồng thanh
Next article5 nguyên tắc tài chính cá nhân nhất định phải biết trước 25 tuổi